Cách chọn sữa công thức phù hợp với trẻ

Ngày đăng: 11:05 AM, 29/02/2024 - Lượt xem: 425

Sữa mẹ là thực phẩm tự nhiên hoàn hảo nhất đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân nào đó như mẹ không có sữa, mẹ bệnh phải cách ly với trẻ, mẹ phải dùng thuốc đặc trị... một số trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn.

1. Sữa công thức là gì?

Sữa công thức (còn có tên gọi là Baby formula) hay sữa bột trẻ em, được sản xuất để làm thức ăn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Sữa công thức có thành phần gần giống công thức hóa học của sữa mẹ nên có thể dùng để thay thế hoàn toàn hoặc một phần cho sữa mẹ.

Có 3 dạng sữa công thức đó là: Pha sẵn, sữa cô đặc và sữa bột.

  • Sữa công thức dạng pha sẵn chắc chắn là tiện lợi nhất. Mẹ không cần phải đo lường hay pha khuấy gì cả, chỉ mở nắp là cho trẻ uống được ngay. Sữa này bảo đảm vệ sinh và đặc biệt thuận tiện khi cha mẹ chưa biết tìm nước pha sữa ở đâu. Giá sữa pha sẵn thường đắt hơn sữa bột khoảng 20%. Các hộp sữa cũng chiếm nhiều diện tích trong tủ lẫn trong thùng rác của gia đình hơn. Sữa pha sẵn sau khi mở nắp chỉ để được khoảng 48 giờ. Và sữa này cũng có màu hơi sậm hơn sữa bột nên dễ để lại vết bẩn trên quần áo của trẻ.
  • Đối với sữa công thức dạng cô đặc, bà mẹ cần pha chung với nước. Tỷ lệ sữa và nước thường là 1:1, nhưng mẹ nhớ luôn phải đọc kỹ hướng dẫn trên hộp. So với loại pha sẵn, sữa dạng cô đặc rẻ hơn và ít cồng kềnh hơn. Tuy nhiên sữa dạng này vẫn đắt hơn sữa bột.
  • Sữa bột là lựa chọn kinh tế và thân thiện với môi trường nhất, chiếm ít không gian vận chuyển lẫn vị trí trong tủ cũng như thùng rác của gia đình.

Sữa bột mất nhiều thời gian pha khuấy hơn các loại sữa công thức khác và các mẹ phải làm chính xác theo hướng dẫn. Sữa này để được 1 tháng sau khi mở nắp thiếc. Cũng giống như sữa cô đặc, khi nào cần mẹ có thể pha cho bé uống với liều lượng linh hoạt, đặc biệt thuận tiện nếu đang cho bé bú mẹ nhưng vẫn cần cho bé bú bổ sung thêm sữa ngoài.

2. Các tiêu chí chọn sữa bột

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên các mẹ nên lựa chọn sữa công thức cho con theo những tiêu chí cụ thể sau: Phù hợp với lứa tuổi và cân nặng của bé; phù hợp với tình trạng sức khỏe của bé (sinh thiếu tháng, đủ tháng, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, béo phì..); tình trạng dị ứng của bé (theo dõi sau khi uống xem bé bị có bị nổi mụn, tiêu chảy, táo bón không?), giá sữa phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình...

Đặc biệt lưu ý xem tỷ lệ đạm có trong thành phần sữa có phù hợp với độ tuổi của trẻ hay không? Để biết rõ điều này, mẹ có thể căn cứ theo chuẩn sau:

  • Trẻ từ 0 - 12 tháng tuổi, tỉ lệ đạm tiêu chuẩn khoảng 11-18%;
  • Trẻ từ 12-36 tháng tuổi, tỉ lệ đạm là 18-34%.

Nếu tỉ lệ đạm có trong sữa ít quá sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, nguy cơ nhiễm trùng cao, hệ miễn dịch kém. Ngược lại, nếu thừa đạm sẽ dẫn tới rối loạn hormone, hệ thần kinh phát triển kém, béo phì và bị bệnh lý tim mạch.

Ngoài tiêu chí về tỷ lệ đạm, các mẹ cũng cần phải lưu ý các chất dinh dưỡng khác có trong sữa như DHA, ARA, Beta-Glucan... hỗ trợ cho hệ miễn dịch và phát triển não bộ ở trẻ.

Lưu ý về màu sắc sữa: Sữa bột chất lượng, đảm bảo chính hãng thì có màu sắc vàng nhạt, tươi sáng, mùi thơm dễ chịu, khi nếm thử có vị ngọt nhẹ. Còn màu sắc hơi sậm, mùi khó chịu hay nếm có vị lạ thì cần phải đắn đo.

Chỉ nên cho bé dùng sữa trong 2 tháng liên tục để kiểm tra bé có bị dị ứng và phù hợp với sữa không, sau đó thì quyết định dùng tiếp hoặc đổi loại sữa khác phù hợp hơn.

 

3. Cách chọn sữa công thức cho trẻ

 

Quyết định sử dụng loại sữa công thức nào phù hợp mẹ cần dựa trên những tiêu chí sau: Sức khỏe của trẻ, tuổi, nhu cầu dinh dưỡng, giá cả.

 

3.1. Sữa cho trẻ dưới 1 tuổi

a) Sữa dành cho trẻ sinh non nhẹ cân

  • Sữa chứa protein, vitamine và khoáng chất cao phù hợp cho trẻ sinh non.
  • Sữa có tỷ lệ năng lượng cao hơn so với sữa bình thường (0,7-0,75Kcal/ml so với 0,67Kcal/ml).

Ngoài ra, ở những nước đã phát triển còn có dạng sữa mẹ đóng hộp được bổ sung thêm vi chất ví dụ như Enfamil Human Milk Fortifier, Similac Natural Care Human Milk Fortifier, Similac Human Milk Fortifier...

b) Sữa công thức dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi

Loại sữa này phù hợp cho trẻ sơ sinh (có cân nặng lúc sinh trên 2500gr) tới 6 tháng tuổi vì dễ tiêu hóa và có tỉ lệ canxi/ phospho =2:1, tỷ lệ này tối ưu cho thận của trẻ nhỏ và tăng cường hấp thụ canxi.Sữa cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng khi trẻ bú được 150ml/kg cân nặng/ngày.

c) Sữa dành cho trẻ từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi

Trẻ sau 6 tháng tuổi cần được cho ăn dặm bổ sung đa dạng với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm gồm chất béo, tinh bột, đạm, rau và trái cây. Sự tăng cân của trẻ sẽ không còn phụ thuộc nhiều vào chế độ sữa như trẻ dưới 6 tháng tuổi. Trẻ chỉ cần bú 500 – 800ml sữa/ ngày là đủ, phụ thuộc vào cân nặng hiện tại của trẻ.

3.2. Sữa dành cho trẻ trên 1 tuổi

Ví dụ như Cô gái Hà lan 123, Enfagrow, Dielac3, Dugro, Nestlé 1+...Có thể chia ra loại trên 3 tuổi và trên 6 tuổi do tuỳ theo nhu cầu ưu tiên chất dinh dưỡng theo lứa tuổi như nhiều canxi hơn, nhiều chất giúp tăng cường chống nhiễm khuẩn hơn, nhưng nói chung thì tương đối không khác nhau nhiều và sự lựa chọn không cần chặt chẽ quá do trẻ còn ăn thêm nhiều thực phẩm đa dạng khác nữa. Trẻ cần uống khoảng 300-500ml sữa mỗi ngày.

3.3. Nhóm sữa dành cho các nhu cầu đặc biệt

Nhóm không có đường lactose

Nhóm sữa này thường dùng cho những trẻ có ruột bị kích thích, đầy hơi, tiêu lỏng do nhạy cảm với đường lactose. Dựa vào nguồn đạm có trong sữa, nhóm này được phân chia làm 2 loại:

  • Loại gốc động vật: ví dụ như Dumex lacto-free, Similac Lactose Free, Enfalac Lactose Free ...
  • Loại gốc thực vật: ví dụ như Prosobee, Nursoy, Isomil....

Sữa thủy phân

Sữa không chứa đường lactose và protein sữa bò đã bị thủy phân nên dễ tiêu hóa dùng cho những trẻ bị dị ứng sữa bò như: Nutramigen, Pregestimil và Alimentum. Ngoài ra, có thể dùng cho trẻ từ sơ sinh bị rối loạn tiêu hóa, ăn uống bất cứ loại gì cũng tiêu chảy, không dung nạp được thức ăn do tiêu chảy nặng kéo dài, bệnh lý mổ cắt ruột nhiều, suy dinh dưỡng dạng teo đét.Do vậy nếu trong gia đình có tiền căn dị ứng thức ăn hoặc trẻ bị dị ứng sữa bò, mẹ nên chọn sữa đậu nành hoặc sữa thủy phân nếu trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, cũng có một số trẻ bị dị ứng sữa bò có phản ứng dị ứng chéo với sữa đậu nành.

Sữa dành cho trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản

Một số sữa công thức có bổ sung thêm tinh bột gạo (ví dụ như Enfamil AR), hoặc bổ sung thêm chất gôm thiên nhiên có đặc tính làm đặc sữa giúp giảm nôn trớ và nuôi dưỡng các vi khuẩn có ích trong ruột, làm tăng thể tích và độ dẻo của phân, ngăn ngừa tình trạng táo bón và các cơn đau co thắt (ví dụ như Frisolac Comfort).

Nhóm sữa không chất béo

Sữa không chất béo sẽ chứa ít năng lượng và không chứa cholesterol thường được sử dụng cho đối tượng có nhu cầu canxi nhưng không muốn tăng cân hoặc cần kiêng chất béo như trong bệnh lý rối loạn chuyển hóa lipid, cholesterol cao, tiểu đường hoặc do kém hấp thu chất béo như bệnh lý gan mật, tiêu hóa

4. Lưu ý khi pha sữa công thức cho trẻ sơ sinh

Sau khi đã quyết định lựa chọn loại sữa cho trẻ, mẹ cũng cần đặc biệt lưu ý những vấn đề sau:

  • Xem thời hạn sử dụng trên nhãn sữa.
  • Pha chế sữa theo đúng hướng dẫn được ghi trên bao bì vì nếu mẹ pha quá đặc có thể dẫn đến tình trạng rối loạn điện giải và làm tổn thương thận của trẻ. Ngược lại, nếu pha quá loãng sẽ làm ảnh hưởng đến dinh dưỡng, sự tăng trưởng và cân nặng của trẻ.
  • Cần rửa tay sạch sẽ trước khi cầm vào bình sữa và khi cho trẻ bú.
  • Bình sữa luôn luôn phải được tiệt trùng trước khi pha sữa cho bé ăn.
  • Sau khi bé đã bú sữa xong nên bỏ phần sữa thừa vì vi trùng trong nước bọt của trẻ sẽ sinh trưởng trong phần sữa thừa đó.
  • Cần chú ý không nên pha sẵn sữa để trong tủ lạnh mà cần pha nóng bữa nào ăn bữa đó cho bé.
  • Tránh sử dụng lò vi sóng để hâm sữa cho trẻ vì nhiệt độ bên trong có thể nóng hơn mẹ tưởng.
  • Tuyệt đối không sử dụng nước ninh xương hoặc nước luộc rau để pha sữa cho trẻ uống.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Giai đoạn trẻ ăn dặm là giai đoạn vô cùng quan trọng giúp trẻ tăng trưởng toàn diện. Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.